Đặt chân lên đảo, chúng tôi đi thăm thú cảnh quan và xem người dân kéo lưới. Cùng với cá đuối, cá mòi, ghẹ, ốc, sam biển còn có cả những con cù kỳ. Một anh trong đoàn chúng tôi hỏi mua chục con để nhậu bữa tối. Song người bạn là dân địa phương đã biếu chục con để chúng tôi luộc ăn thử vị. Anh nói rất tình cảm: Lâu lắm bác mới ra thăm đảo, hôm nay sẽ chiêu đãi bác món ăn này theo đúng cách ở đảo”.
Ngồi chờ gỡ lưới, thấy tôi tò mò, anh giải thích thêm: Cù kỳ, hay nhiều nơi còn gọi là cua đá, cùm vùm, là một giống cua chỉ sinh trưởng ở những vùng biển ấm. Khác với thịt cua biển, cù kỳ tuy thịt không dày, nhiều như cua biển nhưng lại chắc và có vị thơm, ngon đặc trưng… và rất dễ gây “nghiện”. Cù kỳ có mai màu nâu, mắt màu xanh lá cây.
Cù kỳ nổi bật với 2 chiếc càng to, là "vũ khí" lợi hại khi kiếm ăn, chiến đấu với kẻ thù... và bám vào đá rất chắc chắn. Thế mới có câu chuyện cù kỳ ít dùng càng để cắp nhưng một khi đã cắp thì giữ rất chặt. Dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về phải chờ sấm nổ, tiếng to rền thì cù kỳ mới buông cắp. Có lẽ vì thế mà con vật này còn được đặt cái tên khá kỳ quặc: Cua sấm. Do vậy, khi bị cù kỳ cắp thì phải mang xoong, nồi ra gõ thật lớn, may ra thì cù kỳ mới chịu nhả gọng ra.
Tôi đã nhiều lần thưởng thức cù kỳ nướng, sốt me ở các nhà hàng tại TP Hạ Long, song đây là lần đầu tiên thưởng thức món cù kỳ tươi rói vừa đánh lên cho vào chế biến. Nói là làm, chúng tôi hì hục mượn nồi, chất lửa luộc ngay. Bạn tôi giải thích, không cần thêm gia vị gì để giữ được nguyên chất hương vị của biển cả mới ngon.
Những con cù kỳ tươi rói được luộc chín đỏ vẫn còn vương những sợi lưới, chỉ bẻ 2 chiếc càng lớn nhâm nhi để thưởng thức vị thơm và ngon, ngọt của biển. Chiếc càng to nhìn hung dữ là thế lại chắc và chứa nhiều thịt hơn hẳn càng cua, càng ghẹ. Cắn những chiếc càng lớn đã gỡ vỏ thật đã miệng.
Thưởng thức món cù kỳ tươi rói luộc sát bãi biển, nghe sóng vỗ rì rào cùng với gió biển thổi vào thật đã, như tình cảm mặn mòi của người dân đảo.