Đền Xã Tắc, phường Ka Long, TP Móng Cái được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Theo sử sách chép lại: Đền Xã Tắc được xây dựng từ khoảng cuối thế kỉ 13, đầu thế kỉ 14 để thờ thần thành hoàng Châu Móng Cái xưa là Xã Tắc đại vương. Trước kia ngôi đền ở sát mép sông Thác Mang, trong một lần bão lớn vào khoảng đầu thế kỉ 20, ngôi đền cũ bị sạt lở, người dân trong vùng đã chuyển ngôi đền vào khu Soáy Nguồn như ngày nay. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền Xã Tắc bề thế bây giờ được xây dựng trên nền đền cũ bằng sự phát tâm công đức của đông đảo nhân dân, tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền đất nước. Ba pho tượng thánh được thờ tại đền gồm Thần chủ Xã Tắc đại vương, Cao Sơn đại vương và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Tế Xã Tắc là đại lễ cổ truyền, có từ thời Đinh, truyền qua Lê, nhà Lý, nhà Nguyễn và tới ngày nay. Theo các cứ liệu lịch sử, đàn Xã Tắc của tỉnh Hải Ninh xưa được đặt tại Móng Cái vào khoảng thời gian trước hoặc sau Minh Mạng năm thứ 13 (1832).Đàn Xã Tắc là nơi tổ chức lễ tế thần Xã (đất) và thần Tắc (lúa), đây là 2 vị thần tiêu biểu cho 5 thổ thần và ngũ cốc thần theo tư duy của cư dân nông nghiệp. Hai vị thần này luôn gắn bó với nhau, không tách rời nhau như bản thân đất và lúa trong đời sống cư dân nông nghiệp lúa nước. Chính vì ý nghĩa đó nên quan niệm Xã Tắc có nghĩa như là Quốc Gia.Lễ tế Xã Tắc bao gồm: Lễ cấp thủy (lấy nước) tại khu vực ngã ba Soáy Nguồn - sông Ka Long; lễ mộc dục tại đền Xã Tắc; lễ nghinh Thần (rước thần Xã, thần Tắc du hương); lễ tế đàn Xã Tắc trong đó có nghi thức nghênh thần, tế tại đàn và nghi lễ tống thần. Bên cạnh phần lễ, là các trò chơi dân gian như cờ người, chọi chim, chọi gà...