Phong tục, tập quán của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh

Các phong tục, tập quán của tỉnh Quảng Ninh

Lễ cầu mùa của người Sán Chay

Lễ cầu mùa được tiến hành tại khu vực miếu thờ của thôn Phài Giác, xã Đại Dực. Trong lễ thầy cả hành lễ và xem các thầy phụ vừa múa vừa hát cho các thần nghe các điệu múa chim câu, múa trâu đạp lúa, múa tra hạt, múa ôn lại khi thần Lý Hoàng trên đường đi lấy hào quang. Rồi thầy cả nhảy múa và hát mở đường đi lấy hào quang, hát gieo hạt vừng, hát khai đăng. Nội dung thầy kể về tích công trạng các thần, từ việc chế tác công cụ lao động, phát mở đường đi đến khu vực làm lễ hội, lấy bảo vật, lấy hạt giống, rồi đến việc thầy dạy cách gieo trồng, thu hoạch mùa vụ như thế nào. Sau đó thầy cả làm lễ giao phong hàm cho thần xin thần ban phúc lộc cho dân làng…

Lễ cầu mùa mang đậm bản sắc của người Sán Chay, ngoài việc liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc, thông qua lễ này còn khích lệ tinh thần người dân tích cực sản xuất, đoàn kết làng bản để chống chọi lại thiên tai, địch họa, cùng nhau phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.

Phong tục cưới ở TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử - huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh có phong tục: “Ra vốn cho dâu trong ngày cưới”, Lệ “Thách cưới” và “Làm rể sau khi đã lấy vợ” là nét văn hoá riêng của vùng quê miền ven biển “Vợ canh nông, chồng sông nước”. Phong tục cưới hỏi ấy mang dấu ấn của sự gắn kết, đùm bọc, trách nhiệm, tôn trọng đạo lý và thuần phong mỹ tục dân tộc trong nếp sống văn hoá và sinh hoạt cộng đồng, đến nay vẫn còn lưu truyền và được gìn giữ ở một số làng quê.

Như thôn Lưu Khê (xã Liên Hoà, huyện Yên Hưng) thuộc vùng đảo phía Nam của huyện có phong tục: Khi về nhà chồng trong ngày cưới, cô dâu được “xếp” ngồi trước hiên nhà để nhà trai “ra vốn”. Đứng ra lo việc này còn gọi là người “cầm chịch” có thể là ông nội, bà nội hoặc người thân thích bậc hàng ngang với bố mẹ chú rể - thường là những người có tài ăn nói để gây không khí vui vẻ trong lễ tân hôn. Người “cầm chịch” tay nâng “quả kem” - là chiếc khay - trong đó đã đặt sẵn lá trầu, quả cau cùng vài chục nghìn đồng chẵn và vài trăm đồng tiền lẻ (có chẵn, có lẻ theo quan niệm sinh sôi) rồi lần lượt mời gọi từng người là: Ông bà, các bác, chú thím, cậu mợ, cô dì, anh em…thân thích của chú rể “ra vốn cho cô dâu” và để dâu nhận người thân bên nhà chồng. Mọi người “ra vốn cho dâu” (ngoài số tiền đã mừng cưới) - dù ít, dù nhiều - đều được bỏ vào “quả kem” và kèm theo là những “câu chúc”, “câu mừng” vui vẻ: Bà nội của các cháu đây gọi là một chút, của ít lòng nhiều, ra vốn để hai cháu làm ăn ngày thêm phát đạt”… Nhiều người có câu bông đùa hài hước: “Thím ra vốn - chúc cho hai cháu thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”; “Tiền vốn của chị gái đây có cánh, có chân, hai em chuyên cần vốn sẽ nhân lên”; hoặc “Em ra vốn mừng cho anh chị tình cảm như thuyền với buồm, làm ăn như nước lên”; hay như: “Cậu mợ ra vốn cho hai cháu một đôi gà chíp, để vợ chồng cháu chăm nuôi mai kia thành trại gà!”. Người có nhiều vốn mừng thường thể hiện “phong độ” hơn: “Cô mừng vốn cho hai cháu một đôi lợn để các cháu nuôi sinh sôi thành đàn, thành trại”…

Khi kết thúc, người cầm chịch sẽ công bố số “vốn” và trang trọng trao đôi vợ chồng trẻ cùng những lời chúc mừng hạnh phúc, những lời răn dạy về nếp ăn, nếp ở, nghĩa vụ, trách nhiệm với mọi người trong gia đình và họ hàng, làng xóm…Tập tục này đến nay vẫn được duy trì. Nhiều đôi trai gái trong làng - nhờ số tiền “ra vốn” ấy đã phát triển làm ăn khấm khá (như thời gian cưới gần đây, có đôi vợ chồng trẻ đã nhận được hàng chục triệu đồng tiền “ra vốn” như vậy). Ai cũng biết “vốn” ấy nhiều - ít có được còn tuỳ thuộc vào sự ăn ở, cư xử và việc làm của gia đình và cá nhân chàng rể đối với mọi người trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc tập thể và cộng đồng - đặc biệt đối với người thân trong gia đình - là một trong những tính cách nổi bật dễ nhận thấy của những người ở vùng quê nơi đây.

Đặc biệt ở nơi này còn có phong tục: Rể “lại mặt” bên nhà vợ vào ngày thứ ba sau ngày cưới và đi tết cho ông bà, bố mẹ vợ vào ngày mồng một Tết hàng năm. Lệ ấy không biết có từ khi nào, nay vẫn còn được lưu truyền trong dân gian: “Vợ chồng như đôi chim cu, Chồng cầm chai rượu, vợ gật gù gánh cỗ theo sau” và thể hiện mình với các anh em chàng rể bên nhà bố mẹ vợ: “So đo mâm chú, mâm chàng. Cỗ chàng đạm bạc em hàng lệ ngân”.

Một số phong tục, tập quán cưới hỏi - mang đậm truyền thống nhân ái, tôn trọng thuần phong mỹ tục và luân thường đạo lý dân tộc trong nếp sống sinh hoạt cộng đồng làng, xã ở vùng quê Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh - cũng như ở các vùng miền của Tổ quốc, được lưu truyền, gìn giữ - đã và đang cùng hoà vào dùng chảy trong cuộc sống hôm nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, mỗi người chúng ta cần góp phần tôn vinh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước.

Nét tương đồng trong tục ăn trầu của phụ nữ Sán Dìu và phụ nữ người Việt

Người Sán Dìu là một trong số 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trong cộng đồng Việt Nam nên ý nghĩa tục ăn trầu của tộc người Sán Dìu cũng có nhiều điểm tương đồng. Từ xa xưa, phụ nữ Sán Dìu đã có tục nhuộm răng ăn trầu, ngoài ý nghĩa miếng trầu là đầu câu chuyện, là thứ ăn giải trí, là quà thách cưới, quà giao duyên, là thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ. Với phụ nữ Sán Dìu, miếng trầu và những vật dụng liên quan đến miếng trầu như túi đựng trầu, con dao bổ cau… còn là thứ để trưng diện với bạn bè, với khách và với bạn trai.

Miếng trầu (tiếng Sán Dìu gọi là hói loi) xưa là một thứ không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của phụ nữ Sán Dìu, nó như cơm ăn nước uống, nó đồng hành cùng người phụ nữ ở bất cứ đâu, lúc nào. Miếng trầu nói giúp tiếng nói của hai người chưa quen. Miếng trầu là cầu nối nhân duyên, giúp người ta trấn tĩnh trong lúc bối rối, lo âu. Nay, đối với cả phụ nữ Việt hay phụ nữ Sán Dìu, tục ăn trầu dường như chỉ còn trong quá khứ, hiện chỉ còn số ít cụ già trên 70 tuổi có thú vui nhai trầu. Tuy vậy, tục ăn trầu của phụ nữ Việt hay phụ nữ Sán Dìu cũng được xem như một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo trong kho tàng văn hoá phong phú của Việt Nam cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn.

Tết Đông Chí của người Sán Dìu

Tết Đông chí là một tục lệ quan trọng, không thể thiếu của người Sán Dìu.

Tết Đông chí chỉ khác Tết Nguyên đán ở số ngày và sự kiêng kỵ: Tết Đông chí chỉ có 01 ngày và không phải kiêng kỵ điều gì, còn Tết Nguyên đán với người Sán Dìu được diễn ra nhiều ngày, có nhiều điều kiêng kỵ trong dịp đầu năm mới.

Với người Sán Dìu, Tết Đông chí như buổi họp mặt tổng kết cuối năm của mỗi gia đình. Với những người đang sống, đây là dịp tụ họp anh chị em trong nhà sau thời gian nông nhàn đi hát giao duyên (soọng cô) khắp các địa phương cùng dân làng, là buổi triển khai công việc của vụ đông xuân, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán sắp tới. Với người đã khuất, các gia đình chuẩn bị mâm lễ thỉnh mời gia tiên về chứng cho thành quả lao động trong năm của con cháu và độ trì cho gia đình, họ tộc sức khỏe để lao động, sản xuất vào vụ chiêm xuân, cầu mong cho tiết trời thuận lợi cho việc gieo trồng mùa vụ. Mâm lễ có các lễ vật như gà, thịt, rượu, đặc biệt không thể thiếu món bánh nhân điền được làm bằng bột gạo nếp với nhân bánh bằng lạc rang giã nhỏ trộn đường phên và bánh rợm. Đó là những sản phẩm nông nghiệp có được nhờ gia tiên độ trì mà con cháu có được, nay Tết Đông chí dâng lên tạ gia tiên.

Một công việc quan trọng trong ngày Tết Đông chí đối với người Sán Dìu là việc trồng bầu, trồng bí. Đây là một công việc đặc trưng của ngày Tết Đông chí. Người Sán Dìu có câu đã trở thành truyền ngữ: “Đông chí trồng bí, trồng bầu”. Họ quan niệm: Trồng bầu, trồng bí vào ngày Đông chí sẽ tốt tươi, không sâu bệnh, cho sai quả. Đồng thời, gia đình con cháu cũng sung túc, xum vầy, hạnh phúc như giàn bí giàn bầu.

Tục “lại mặt” trong hôn lễ của một số dân tộc ở tỉnh Quảng Ninh

1. Dân tộc Dao:

Người Dao Thanh Phán gọi Tục này là “hùi miền” nghĩa là “lại mặt”. Sau lễ cưới 3 ngày, cô dâu trở lại nhà bố mẹ đẻ. Trước kia, khi trở lại nhà mẹ đẻ, cô dâu ở lại bao lâu là tùy hoàn cảnh từng người, thông thường ở lại từ 3 đến 5 ngày, có người ở lại nhà mẹ đẻ một tháng. Đối với những gia đình có điều kiện cưới dâu thì thực hiện tục lại mặt. Đối với những gia đình nghèo khó, không đủ điều kiện cưới dâu thì chú rể sang nhà cô dâu ở rể, làm công đền ơn bố mẹ vợ cho đến khi có con thì đón cả vợ con về nhà mình.

Người Dao Thanh Y gọi Tục này là “ùi mịn”, nghĩa là lại mặt, trở lại. Cô dâu về nhà chồng sau 3 ngày thì trở lại nhà bố mẹ đẻ và ở lại 3 ngày rồi trở lại nhà chồng.

Tục này ở người Dao Đỏ (Bắc Kạn) gọi là “mỉn tiu”. Cô dâu về nhà chồng ít nhất một tháng mới được lại mặt, về nhà bố mẹ đẻ ở lại từ 1 đến 3 ngày. Người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì (Hà Tây) gọi tục này là ủy mỉ, ùi mịn, nghĩa là lại mặt, trở về. Sau lễ cưới, cô dâu ở nhà chồng từ 3 đến 5 ngày rồi trở lại nhà mẹ đẻ ở lại từ 1 đến 4 ngày rồi quay lại nhà chồng.

2. Dân tộc Tày:

Ở Quảng Ninh có hai dòng Tày, tộc người Tày di cư từ Đình Lập (Lạng Sơn) đến tỉnh ta và người Tày gốc Bình Liêu.

Đối với người Tày gốc Đình Lập (Lạng Sơn) hiện nay đang cư trú tại Ba Chẽ, Đông Triều và một số huyện trong tỉnh, tục lại mặt gọi là “tèo lòi”. Sau hôn lễ, cô dâu trở lại nhà bố mẹ đẻ ngay trong ngày cưới (trước khi trời tối), ngủ lại một đêm ở nhà mẹ đẻ. Hôm sau, nhà chồng sắm lễ, cử một người là em chồng hoặc chị chồng, hoặc chị dâu bên chồng mang theo lễ lại mặt sang đón cô dâu về lại nhà chồng. Sau 12 ngày lại trở về (lại mặt lần nữa). Lần lại mặt này cả hai vợ chồng đều về nhà bố mẹ đẻ của cô dâu và trở lại nhà chồng trong ngày.

Đối với người Tày gốc Bình Liêu, tục lại mặt cũng gọi là “tèo lòi”, “hòi lòi”, “pây mừ”. Trước đây, khi lễ rước dâu về đến nhà chồng, người phù dâu (bạn cô dâu) ở lại cùng cô dâu, sau 3 ngày thì cùng cô dâu, chú rể trở lại nhà bố mẹ đẻ của cô dâu, mang theo lễ vật do nhà chồng sắm để lễ gia tiên nhà bố mẹ đẻ, ở lại một đêm, hôm sau hai vợ chồng trở lại nhà bố mẹ chồng.

3. Dân tộc Sán Chay (gồm hai tộc Cao Lan và Sán Chỉ):

Người Sán Chỉ gọi tục này là “tăp lăt”, người Cao Lan gọi tục này là “tầu lầy”. Sau lễ cưới, cô dâu ở lại nhà chồng một ngày một đêm, sáng hôm sau cùng chú rể trở lại nhà mẹ đẻ của mình, mang theo lễ lại mặt do nhà chồng sắm, hai vợ chồng ở lại nhà bố mẹ để của cô dâu từ  một đến hai ngày rồi trở lại nhà chồng. Sau đó, cô dâu và chú rể có thể đi lại hai bên gia đình nội, ngoại cho đến khi có con thì hạn chế về nhà mẹ đẻ của cô dâu.

4. Dân tộc Sán Dìu:

Người Sán Dìu gọi tục này là “cui thap cooc chẹ”, về lễ lại mặt. Sau lễ cưới 3 ngày, đôi trẻ phải thực hiện lễ lại mặt. Khi về lại mặt, cô dâu được gia đình nhà chồng cử em chồng hoặc chị chồng do ông mối dẫn đầu, gánh theo gánh lễ lại mặt gồm: 1 thủ lợn, một đôi gà trống thiến, bánh chưng, gạo nếp và 36 cặp bánh nhân điền (là loại bánh bột gạo nếp nhân đậu xanh hoặc nhân lạc trộn đường phên), rượu, chè, trầu cau, thuốc lá đầy đủ.

Ông mối và người gánh lễ lại mặt cùng ăn bữa cơm trưa với gia đình nhà gái rồi trở về nhà mình. Đôi trẻ được ở lại nhà bố mẹ đẻ của cô dâu 2 ngày rồi trở lại nhà bố mẹ chồng. Bên nhà cô dâu chuẩn bị lễ lại quả gồm: từ 1 đến 2 đôi gà con; một ít hạt giống của cây đậu, lạc, thóc, ngô… và một số bánh chưng, bánh nhân điền gửi lại nhà trai, mang ý nghĩa cấp giống vốn để đôi trẻ làm ăn phát đạt, cũng là thể hiện tình nghĩa thâm giao. Một nguyên tắc bắt buộc là đôi trẻ phải trở lại nhà bố mẹ chồng trước 15 giờ chiều ngày hôm đó.

Trước kia, đối với gia đình bố mẹ vợ không có con trai hoặc những gia đình bên chú rể nghèo khó, không đủ điều kiện cưới cô dâu thì tổ chức hôn lễ ở bên nhà cô dâu và chú rể ở lại luôn nhà bố mẹ vợ (gọi là ở rể) để làm công đền ơn bố mẹ vợ cho đến khi có con thì đón cả vợ con về nhà mình, nếu ở rể suốt đời thì chú rể được coi như chủ nhà, được chia tài sản của nhà vợ, được tạo lập vốn riêng của vợ chồng và phải chia sẻ, gánh vác nghĩa vụ với bên nhà vợ. Với trường hợp này, sau hôn lễ không thực hiện tục lại mặt.

5. Dân tộc Kinh (Việt):

Người Việt xưa cũng có tục lại mặt. Trong sách “Việt Nam phong tục” của Phan Khế Bính có đoạn: “ Cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ chè, xôi đem đến nhà vợ, lạy gia tiên gọi là lễ lại mặt, chữ gọi là tứ hỉ”.

Sau ngày cưới, cô dâu và chú rể trở về nhà bố mẹ đẻ của cô dâu làm lễ lại mặt. Tùy theo điều kiện từng gia đình mà lễ lại mặt do bố mẹ bên chồng sắm ít hay nhiều. Nhưng thông thường có đủ bánh, kẹo, chè, rượu, thuốc lá, trầu cau, trái cây để đôi trẻ mang về nhà bố mẹ đẻ của cô dâu thắp hương gia tiên.

Hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh)

Trong năm âm lịch, người Dao ở đây tổ chức Hội làng vào các ngày: mùng Một tháng Hai, mùng Một tháng Tư, mùng Một tháng Bảy, mùng Một tháng Mười và ngày Hai Mươi tháng Mười Hai. Nhưng chỉ có Hội làng Ngày mùng Một tháng Hai và Hội làng Ngày Hai Mươi tháng Mười Hai mới là hai Ngày Hội quan trọng trong năm của đồng bào ở đây.

Hội làng Ngày mùng Một tháng Hai là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa khởi đầu cho năm mới. Bởi thế, mọi người trong làng, nhất là các chủ hộ đều có mặt đông đủ, lễ vật trình làng được sắm sanh chu đáo, quy trình diễn Hội phải thực hiện xuôn xẻ để cả năm dân làng được bình an vô sự, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, mọi nhà no đủ.

Hội làng Ngày Hai Mươi tháng Mười Hai có ý nghĩa tổng kết sau một năm lao động vất vả, là thời điểm dân làng, dòng tộc, các gia đình bàn bạc công việc sẽ thực hiện năm sau; là dịp mọi người giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, xích mích liên quan đến người khác trong làng, trong dòng tộc để đón chào năm mới với những ước mơ, hy vọng; cầu mong những điều tốt lành đến với bản thân, gia tộc mình.

Ngoài hai ngày hội trên, mỗi ngày hội ở đây còn có ý nghĩa riêng, đánh dấu mốc giao mùa, vào vụ mới:

Hội làng Ngày mùng Một tháng Tư tiết trời vào hè, công việc chuẩn bị cho việc gieo cấy vụ hè - thu.

Hội làng Ngày mùng Một tháng Bảy, tiết trời sang thu, công việc chuẩn bị phát nương, làm rẫy.

Hội làng Ngày mùng Một tháng Mười, tiết trời vào đông, chuẩn bị cho việc bảo vệ rừng trước tiết trời hanh khô và việc lo làm ải đất trồng màu …

Hội làng người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả có từ lâu đời. Trải qua thời gian, qua nhiều thế hệ, nay không ai biết Hội làng ở đây đã có từ bao giờ. Có lẽ Hội làng được hình thành từ khi có tộc người Dao Thanh Y cư trú ở Bằng Cả.

"Lễ Rửa cày bừa" của người Sán Dìu ở Quảng Ninh

Trong một năm, người Sán Dìu có nhiều lễ tiết. Tháng 7 âm lịch, họ có Tết Mười Tư (14/7). Tết Mười tư tháng Bảy âm lịch của người Sán Dìu được tổ chức trong khuôn khổ gia đình hoặc dòng tộc nhưng khá thịnh soạn bởi nó có ý nghĩa văn hóa truyền thống. Vào ngày này, cả làng, bản, dòng tộc làm lễ cúng Gia Tiên và Thần Nông cẩn báo với các Bậc Linh thiêng: công việc đồng áng cấy cày vụ mùa đã vừa xong, tiết Hạ đã qua và chuyển sang tiết Thu, nhà nông sắp sửa làm những công việc mới của tiết Thu. Người Sán Dìu thường gọi Tết Mười Tư (14/7) là “Lễ rửa cày bừa” hoặc “Lễ lên đồng” vì trước đó họ có “Lễ xuống đồng” vào dịp đầu tháng 6 âm lịch, lúc sắp bước vào cấy vụ mùa.

Vụ cấy lúa mùa (lúa xuân hè) xưa của người Sán Dìu rất quan trọng vì một năm họ chỉ có một vụ lúa nước. Vào vụ lúa này, họ còn trồng các loại cây hoa màu, lương thực khác như đỗ, lạc, ngô… Sản phẩm vụ mùa có ý nghĩa quyết định đến đời sống gia đình họ trong năm. Họ làm nụng rất vất vả, kỹ lưỡng từng khâu trong sản xuất mong đạt được năng suất thu hoạch cao. Vì thế mà kết thúc việc cấy trồng vụ xuân hè, họ như được "xả hơi", trút được gánh nặng cơ bản trong năm. Họ vui mừng lắm!

Lễ vật đặc sắc không thể thiếu trong mâm cúng Gia Tiên, Thần Nông trong Lễ rửa cày bừa là món bánh nhân điền. Nguyên liệu để làm loại bánh này gồm: bột gạo nếp, nhân bánh là đỗ xanh (mặn hoặc ngọt), lạc rang, đường đen và lá mít. Bột gạo nếp được nhào, vật thành từng con bột vừa tầm tay rồi cho vào luộc chín, vớt các con bột luộc chín ra đánh quện thật dẻo rồi nặn bánh, tra nhân vào theo sở thích của mỗi gia đình. Khi bánh làm xong được đặt lên các lá mít đã rửa sạch rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Bánh cũng có thể ăn ngay được nếu trong quá trình làm không để lẫn bột sống và nhân bánh đã được làm chín trước. Món bánh này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc Lễ. Nguyên liệu dùng làm bánh là sản phẩm của vụ mùa năm trước dành để cúng tạ Thần Nông, Gia Tiên với mong ước vụ mùa năm nay được mưa thuận gió hòa, cho thu hoạch cao hơn năm trước.

Sau Lễ rửa cày bừa, bước sang tiết Thu, trai gái, già trẻ người Sán Dìu xưa thường tổ chức đi chơi đến các làng, bản lân cận hoặc xa hơn để hát đối- gọi là soọng cô- thể hiện tâm trạng vui mừng vừa làm xong một vụ mùa nặng nhọc vất vả, cũng là lúc để anh em, bạn bè chia sẻ, tâm giao và kết thêm bạn mới. Tại cuộc Lễ đó, thầy cúng cũng cầu mong Gia Tiên che chở cho đoàn đi soọng cô được vui vẻ, an toàn, có thêm nhiều bạn mới.

Một số phong tục, tập quán sinh hoạt và nghề truyền thống của người Sán Dìu

Ở Quảng Ninh, do người Sán Dìu sống xen kẽ với người Hoa, Sán Chỉ, Cao Lan nhiều năm nên phần nào phong tục, tập quán của người Sán Dìu đã có phần pha trộn, ảnh hưởng bởi phong tục tập quán của các dân tộc sống liền kề. Mặc dù vậy, người Sán Dìu ở Quảng Ninh về cơ bản vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa  riêng của mình.

Tiếng nói, chữ viết:

Ngôn ngữ Sán Dìu thuộc nhóm ngữ hệ Hán. Người Sán Dìu có tiếng nói (ngôn ngữ) riêng hiện còn được sử dụng trong giao tiếp sinh hoạt thường ngày ở một số gia đình có người làm thầy cúng, thầy thuốc và phần lớn là ở các gia đình 3- 4 thế hệ cùng sinh sống...

Tiếng Sán Dìu có khoảng 60% âm tiết, ngữ điệu giống tiếng Hoa, 30% giống tiếng Sán Chỉ. Ví dụ: Cùng là từ ” ăn cơm”: Tiếng Sán Dìu nói: ”Sthệch fan”, tiếng Sán Chỉ nói: ”Hạch fàn”, tiếng Hoa nói: ”Sthựch fàn”, ...

Người Sán Dìu có chữ viết riêng, là loại chữ tượng hình, có nhiều đường nét của chữ Hán cổ. Hiện nay, tiếng nói, chữ viết của người Sán Dìu đang ở vào thời kỳ bị mai một. Lớp trẻ hiện nay phần nhiều không còn sử dụng ngôn ngữ, chữ viết và cả những phong tục lễ tiết của dân tộc mình. Một số trường hợp còn biểu hiện tự ti dân tộc, muốn quên đi cái gốc của mình. Tuy vậy, chữ viết của người Sán Dìu vẫn được lưu truyền, sử dụng ở một số gia đình có người làm thầy cúng, thầy địa lý.

Ẩm thực:

Người Sán Dìu ăn cả cơm và cháo. Thức ăn uống thông thường là nước cháo loãng. Họ có nhiều loại cháo: cháo ngô, khoai, cháo cơm vớt và đặc biệt có món chúc líp (cháo trộn với một số loại rau có thể dùng làm thuốc chữa bệnh như cháo lá lốt, rau cải; cháo lá ngải).

Việc chế biến các món ăn của họ cũng khá cầu kỳ, dùng nhiều gia vị như gừng, tỏi, địa liền. Đặc biệt, các món ăn khi dùng dù mùa lạnh hay mùa nóng cũng đều phải giữ ở nhiệt độ nóng (vừa ăn vừa thổi).

Người Sán Dìu kiêng ăn thịt chó, đặc biệt đối với nhà làm thầy cúng (có tích lưu truyền về việc kiêng kỵ này).

Ngoài nước cháo loãng, người Sán Dìu còn thường dùng nước chè xanh. Trong bữa tiệc đồ uống chủ yếu là rượu trắng do họ tự nấu thông qua công nghệ làm men bằng thứ lá cây rừng với gạo hoặc rượu mía, rượu sắn. Ngày Tết, có thêm rượu cái nếp do họ tự làm.

Người Sán Dìu còn làm các loại bánh:

Bánh chưng gói hình ống, hai đầu có bắt góc (mỗi đầu bắt thành 3 góc); bánh chưng gù. Bánh tro (hay "bánh do") gói hình như bánh chưng nhưng nhỏ hơn, nguyên liệu làm bằng gạo nếp ngâm nước tro đốt từ một loại cây ở rừng gọi là cây nham nháp và rơm lúa chiêm xuân còn mới với nước vôi trong. Bánh nhân điền làm bằng bột gạo nếp có nhân bằng lạc rang giã trộn với đường phên hoặc nhân đỗ xanh. Ngoài ra còn có loại bánh dày.

Các loại bánh trên được dùng các dịp lễ, tết, hội, cưới hỏi. Riêng lễ lại mặt và lễ tang ma chỉ dùng bánh nhân điền hoặc bánh dày.

Mặc:

Trang phục thông thường của người đàn ông Sán Dìu: quần cộc (quần đùi) màu thâm; quần dài màu thâm, cạp chun, có hai túi; áo màu thâm dài ngang đùi, may kiểu bà ba có một túi.

Trang phục thông thường của phụ nữ Sán Dìu: khăn đen bằng vải chéo, đội theo hình mỏ quạ; luôn mặc hai áo đi theo cặp: áo trong màu sáng, dài đến cạp quần; áo ngoài màu chàm, hoặc thâm, dài quá gối, may theo kiểu 3 vạt; đeo yếm (trắng, đỏ); có dây bao lưng màu xanh.

Trang phục ngày lễ, tết, hội, ngày cưới: đàn ông mặc quần áo dài, mới hơn, đi guốc mộc do họ tự làm bằng loại cây gỗ rất nhẹ ở rừng; phụ nữ đội khăn gấm, hoặc nhung the, yếm đỏ; có thể mặc quần áo như ngày thường nhưng mới hơn, có thể mặc váy (loại váy xẻ hai mảnh hoặc 4 mảnh cùng đính trên một cạp, là loại váy khác biệt với các dân tộc khác của nước ta); thắt dây bao lưng màu xanh. Cô dâu ngày cưới còn đội cái pại thay khăn mỏ quạ, thắt 2 dây lưng và săn su quả đào.

Trang sức của phụ nữ Sán Dìu không nhiều: có khuyên tai, nhẫn bạc, vòng tay bạc. Phụ nữ Sán Dìu có săn su quả đào dùng để đựng trầu têm sẵn, là loại trang sức đặc biệt, khác biệt với các dân tộc khác. Đây cũng là loại trang sức dùng để đánh giá nhân phẩm, đức hạnh (tứ đức) của người con gái Sán Dìu. Nếu nhà giàu, săn su quả đào làm bằng bạc. Nếu nhà nghèo (chiếm phần nhiều), túi đựng trầu của người phụ nữ Sán Dìu được khâu theo hình múi bưởi, nhiều màu sắc, thêu rất công phu. Đi đôi với túi đựng trầu là con dao cau với vỏ gỗ được trạm trổ rất cầu kỳ, thường được chị em đeo trong các dịp lễ hội, ngày tết (được coi như thứ trang sức để trưng diện).

Trang phục thầy cúng:

Thầy pháp sư (cúng chính): áo cà sa màu chàm dài quá gối. Trên áo có thêu hình long, phụng, Thánh, Phật Thích-ca, Phật Quan Âm; thắt dây lưng đỏ; giày vải thêu nhiều màu sắc hoặc đi chân đất.

Thầy phụ việc cúng cho Pháp sư: mặc áo dài, quần dài màu đỏ, giống như áo tân thời của phụ nữ người Kinh (hay Việt).

Ở:

Người Sán Dìu trước kia thường ở nhà vách đất, tường trình đất hoặc đóng gạch đất rồi tự xây bằng vữa đất dẻo. Mái thường lợp cỏ tranh hoặc lợp lá mía. Người Sán Dìu rất khéo tay trong việc tết các phên cỏ tranh hoặc phên lá mía lại thành từng mảng để lợp nhà, đảm bảo được độ bền chắc và không bị dột khi trời mưa.

Trong khuôn viên đất ở, người ta thường bài trí nhà ở và các công trình phụ trợ theo hình chữ U. Nhà ở chính nằm ở đáy chữ U còn gọi là “nhà trên”, quy mô từ 3 đến 5 gian, hai bên hồi nhà thường có hai trái nhà làm vẩy ra để chứa các phương tiện vận chuyển, phương tiện đi lại và là nơi xay lúa, giã gạo; bên tay phải là dãy nhà bếp, nhà để nông sản, nông cụ gọi là “nhà ngang”, bên tay trái thường là khu chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm và công trình phụ.

Ngày nay, kinh tế - xã hội phát triển, nhà ở của người Sán Dìu đã thay đổi về chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Nhà gạch xây theo kiểu hiện đại thay thế cho nhà tranh, vách đất truyền thống. Nhiều hộ đã có nhà cao tầng, nhà mái bằng kiên cố như nhà của người Kinh.

Nghề truyền thống:

Nghề chính của người Sán Dìu là làm ruộng. Họ đã tiếp cận và vận dụng nền văn minh lúa nước từ rất lâu. Họ còn làm nương, bãi, thả cá, đánh bắt thủy hải sản. Đặc biệt, họ có nghề thủ công gia truyền: nghề mộc, đan lát mây tre, làm gạch, làm rèn, thầy thuốc. Tuy nhiên, sản phẩm họ làm chỉ mang tính tự cấp tự túc, chưa trở thành hàng hóa phổ biến. Ngày nay, những nghề thủ công này vẫn còn được lưu truyền nhỏ lẻ ở một số hộ sống 3-4 thế hệ.

Công cụ lao động, sản xuất:

Công cụ sản xuất nông nghiệp:

Người Sán Dìu tự chế tạo ra cày, bừa, cào kéo, cào tám, cào ba, cào làm cỏ lúa, cào làm cỏ lạc, dụng cụ vun lạc; liềm, hái gặt lúa.

Cày thường được đóng bằng gỗ. Lưỡi cày và diệp cày bằng gang làm theo kiểu cày Tàu. Độ sâu đạt khoảng 30 cm, phù hợp với địa hình, chất đất miền núi có nhiều cát, đá, sỏi và rễ cây.

Bừa thường có 12 răng bằng thép tôi. Cán bừa, dọc bừa, gọng bừa và các phụ kiện khác được làm bằng tre hoặc gỗ.

Phương tiện đi rừng, làm nương của người Sán Dìu có dao quắm - dao phát, dao dựa. Cái phẻndao là mảnh gỗ được làm cầu kỳ để cài dao đeo an toàn bên cạnh người hoặc cái dọ dao được đan bằng mây. Ngoài dao còn có thuổng, rìu, cưa và túi đựng nước uống, đồ ăn.

Phương tiện vận chuyển:

Từ lâu, người Sán Dìu đã biết chế tạo ra xe quệt để vận chuyển nông sản, vật liệu. Xe quệt là loại xe dùng trâu kéo, không có bánh. Hai càng xe là bộ phận chủ đạo, được làm bằng tre. Xe chỉ có trọng tải khoảng từ 2 đến 4 tạ. Loại xe này thích hợp cho việc vận chuyển ở địa hình đồi núi dốc, đường mòn, nhỏ.

Sau đó, họ đã chế tạo ra loại xe có bánh bi, trâu kéo (gọi là xe trâu), đã phần nào trợ sức cho trâu. Đây là loại xe đánh dấu trình độ văn minh, hiện đại trong lao động, sản xuất của người Sán Dìu. Xe có trọng tải lớn hơn xe quệt.