Bạch Long Vĩ là nơi lý tưởng để sáng đón bình minh, chiều ngắm hoàng hôn và đêm đêm nhâm nhi tách trà trong khi chụp phơi sáng dải ngân hà dưới chân ngọn hải đăng. Đêm đến, ngắm nhìn biển đêm với bầu trời lung linh đầy sao, bên dưới là cả vùng biển với hàng trăm con tàu câu mực với hàng nghìn bóng đèn tỏa sáng trông như thành phố nổi trên mặt biển.
Huyện đảo Bạch Long Vĩ (có nghĩa "đuôi rồng trắng") thuộc thành phố Hải Phòng, cách đất liền khoảng 130 km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70 km và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130 km. Đảo còn có những tên gọi khác nhau như "đảo vô thủy" (đảo không có nước), "phù châu thủy" (hòn ngọc nổi lên trên nước), "hải bào châu" (xứ sở của bào ngư - hải sản quí hiếm có giá trị kinh tế cao…
Hòn đảo đặc biệt này có cả núi, cả thềm, cả bãi cát vàng lấp lánh. Bãi tắm ở Bạch Long Vĩ nằm ngay gần âu cảng. Nước trong, sóng vỗ rì rào. Cát trên đảo lẫn vô số vỏ sò, vỏ san hô được sóng biển bào mòn, lấp lánh, đầy màu sắc. Những chiều nắng vàng, mỗi khi con sóng rút ra khỏi bờ cát, những hạt cát, vỏ sò, san hô lăn nhẹ theo con sóng, phản chiếu ánh mặt trời ánh lên như cầu vồng trong cát.
Thềm cát hơi dốc chứ không thoai thoải như nhiều bãi biển khác trong đất liền, nhưng nước rất trong, không mang kính bơi vẫn có thể lặn mở mắt, ngắm những hòn đá và san hô sặc sỡ khi ánh nắng rọi xuống đáy. Có những vị khách thích dậy sớm, xách máy ảnh ra bãi biển đón bình minh, rồi chân trần chạy vài vòng trên bãi biển.
Bạch Long Vĩ - hòn đảo tiền tiêu
Chi phí lớn nhất ra đảo Bạch Long Vĩ là vé tàu. Tính từ nơi xuất phát gần nhất là đảo Hòn Dấu (Hải Phòng), quãng đường ra đến đảo khoảng 110 km. Tuy nhiên, tàu thường đón khách ở cảng trong thành phố, di chuyển mất 10 tiếng.
Mùa biển êm chỉ kéo dài vài tháng đầu năm. Thành phố Hải Phòng đã có chính sách trợ giá để hỗ trợ người dân trên đảo và thu hút khách du lịch. Hải Phòng chi 50% giá vé tàu, khách ra đảo chỉ phải thanh toán một nửa (khoảng 2,5 triệu đồng). Khách muốn đi phải đăng ký trước.
Từ năm 2002, con tàu khách mang tên Bạch Long là tàu chở khách đầu tiên ra đảo. Tàu chở được 100 khách, khá hiện đại. Mỗi tháng có từ 3-4 chuyến tàu chở khách ra đảo.
Sóng cấp 5 trở lên, tàu Bạch Long không ra đảo được, khi đó, phương tiện là tàu quân sự 05. Hiện tại một con tàu khác rất hiện đại đang được gấp rút hoàn thành là con tàu Hoa Phượng.
Đảo Bạch Long Vĩ nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ, cũng như trong phân định vịnh Bắc Bộ.
Hải đăng trên đảo là một trong những địa điểm ưa thích của nhiều du khách khi đến Bạch Long Vĩ. Có 8 cán bộ, nhân viên trạm quản lý đèn biển Bạch Long Vĩ trông coi ngọn hải đăng nằm trên điểm cao nhất của đảo.
Điểm cao nhất ở Bạch Long Vĩ là nơi đặt ngọn hải đăng. Tính từ mặt nước biển, hải đăng cao khoảng 80 m. Đường lên có bậc thềm lát xi măng, xuyên qua những bóng cây phi lao. Một đường khác để lên đỉnh cao nhất của đảo này là đường nhựa, đi vòng quanh sườn núi. Hai bên là rừng phi lao, rừng thông, bên dưới là bạt ngàn hoa ngũ sắc (hoa tỉ muội).
Du khách có thể leo lên ngọn hải đăng, ghé thăm những người trông coi đèn biển nhiệt tình, mến khách rồi lên tháp đèn ngắm đảo. Từ tháp của ngọn đèn biển này có thể nhìn bao quát hết đảo, ngắm những con tàu cá dập dềnh ngoài khơi, để gió biển mặn mòi lùa vào tóc.
Giờ đã có đường bê tông để ô tô, xe máy lên hải đăng.
Ngọn đèn biển này được xây dựng năm 1995, có 9 tầng tháp, ánh sáng đèn biển trong tầm 26 hải lý (khoảng 50 km). Mỗi ngày, cán bộ, nhân viên ở đây chia 5 ca trực vận hành đèn biển.
Trạm trưởng Đồng Văn Cường cho hay, hoạt động của trạm hoàn toàn thao tác trên các thiết bị điện tử, tuy nhiên, những ngày biển động, sương mù, hay những hôm có gió mùa, sóng biển thay đổi…, anh em phải căng mắt theo dõi để hướng dẫn tàu thuyền đi lại hoặc cập bến an toàn. "Chúng tôi chỉ mong có khách đến để nói chuyện, hỏi thăm nhau cho đỡ nhớ đất liền", Anh Cường nói.
Âu cảng Bạch Long Vĩ là công trình làm thay đổi bộ mặt của hòn đảo này. Mỗi năm, có khoảng gần 20.000 lượt tàu, thuyền neo đậu ở đây, biến Bạch Long Vĩ thành trung tâm hậu cần nghề cá lớn nhất vịnh Bắc Bộ.
Biên chợ đặc biệt ngoài âu cảng cũng bắt nguồn từ đó. Hàng ngày, cứ khoảng 4h, những con tàu câu mực đầu tiên cập vào. Tiếng động cơ vừa ngắt, âu cảng tỉnh giấc vì tiếng gọi nhau í ới, tiếng dội nước trêng boong, tiếng những con cá giãy rào rào trong thùng nước và tiếng cười đùa rôm rả. Người dân trong đảo cũng dậy từ tinh mơ đi chợ. Họ mang rau xanh, gạo, mắm muối… bán cho tàu cá, và mua lại những con mực, con ghẹ còn giãy trong thùng nước.
Anh Nguyễn Văn Thắng, một thuyền viên ở Nghệ An, giới thiệu hàng hóa tàu của anh bán là hải sản "phụ". "Phụ" nhưng nó lại là đặc sản mà ở đất liền khó mua được. Mùa cá ngần, mỗi chuyến, con tàu mà anh đang làm việc bắt hàng tấn cá ngần, rẽ vào bán ngay tại âu cảng. Những con cá, con ghẹ, hải sản khác mắc lưới được đua ra bán lẻ. Những con ốc vàng đại dương to như cái bát (chén ăn cơm), nặng cả ký được bán với giá chỉ 60.000đ/kg. Những con ghẹ, con mực hay cá dìa, cá song rẻ bằng phân nửa giá trong bờ, tươi roi rói.
Món ăn ưa thích của người dân trên đảo Bạch Long Vĩ là cá dìa nướng lá lốt. Thịt cá thơm, chắc ngọt, chấm với muối ớt như người miền biển, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Cá dìa chế biến món nào cũng ngon, chỉ cần nấu một nồi canh giấm (canh chua), thả cả con cá đã được làm sạch vào là có món canh cá dìa đặc sản của lính đảo Bạch Long Vĩ.
Khám phá đời sống trên đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ
Không khí ở Bạch Long Vĩ có độ mặn rất cao, nên các vật dụng bằng sắt, đồ điện tử rất dễ bị ăn mòn, nhanh chóng hư hỏng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
"Ở trên đảo này, xe máy, tivi, những thứ bằng sắt, thiết bị điện tử là hay phải thay nhất. Nhà tôi ở đảo 18 năm, đã 4-5 lần phải thay xe máy, vì rất nhanh hoen rỉ dù có sơn chống rỉ, 2-3 lần phải vứt tivi trong khi điện và sóng truyền hình cũng mới chỉ có khoảng chục năm trở lại đây" - ông Nguyễn Sỹ Bắc, khu dân cư Bạch Long Vĩ 2, nói.
Nước ngọt thiếu cũng là một điều khiến người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo khổ sở. Để ăn uống, tắm giặt, từ trước đến nay người dân chỉ sử dụng nước mưa. Lượng mưa bình quân của đảo khoảng 1.100mm/năm, nhưng sau mỗi năm, mưa ít đi mà cư dân trên đảo lại đông hơn.
Để có đủ nước dùng, các đơn vị quân đội cho đến mỗi hộ dân đều phải thiết kế xây dựng những bể chứa nước mưa lớn.
Khu vực đảo Bạch Long Vĩ có hai loại, bào ngư đá và bào ngư lỗ. Bào ngư đá chuyên sinh sống, bám vào các vỉa đá ngầm, còn bào ngư lỗ sống trong các lỗ dưới đáy biển. Bào ngư là loại ốc có vỏ cứng như vỏ sò, nhưng dẹt hơn ở mép vỏ, có 7 - 13 lỗ nhỏ để không khí ra vào. Thông thường có 9 lỗ nên thường còn được gọi là "cửu khổng".
Theo y lý, bào ngư thuộc hàng bát trân, sơn hào hải vị, giàu dược tính, bổ âm, tăng khí, hạ nhiệt, tăng cường sinh lực cho nam giới, giúp sáng mắt, trị ho, khó tiêu. Cả vỏ và ruột bào ngư đều được dùng làm thuốc để chữa bệnh và bồi bổ.
Ngoài bào ngư, đến với đảo Bạch Long Vĩ, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều các món ăn ngon được chế biến từ các loại hải sản tươi sống của vùng biển vịnh Bắc bộ.
12 huyện đảo Việt NamMiền Bắc: Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh) Miền Trung: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa) Miền Nam: Côn Đảo (Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quốc (Kiên Giang) |