Từ chùa Một Mái rẽ về phía Đông, qua Ga Cáp treo 3, du khách đến am Diêm, rồi qua thác Bạc đến am Hoa, am Dược.
Am Diêm xưa kia Tam Tổ Trúc Lâm và các Thiền sư Yên Tử dùng để dự trữ muối. Muối được mang từ miền xuôi lên, chứa vào am rồi cấp dần cho các chùa trên núi. Am Diêm nay chỉ còn nền am.
Suối Bạc có rất nhiều ngọn thác, song nổi bật nhất là thác Bạc, nước từ trên cao tỏa ra như một chiếc đuôi rồng đổ xuống lòng hồ nơi chân thác, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Am Hoa xưa làm nơi bảo dưỡng qua đêm những bó hoa tươi được hái từ khu vườn hoa trồng gần đó trước khi đưa về các chùa trên núi dâng cúng Phật vào mỗi sáng. Am Hoa nay chỉ là phế tích. Các nhà khảo cổ còn tìm ra dấu vết của các cấp kè bậc đá nền am và ba ngôi tháp gạch đổ.
Am Ngự Dược (còn gọi là am Thuốc) là nơi Tam Tổ Trúc Lâm và các ngự y trồng, bảo quản, bào chế các cây thuốc khai thác trong rừng thành những viên thuốc quý, không chỉ chữa bệnh cho các nhà Thiền sư tu hành tại Yên Tử mà còn cung cấp cho triều đình, ban phát cứu dân khi dịch bệnh. Sử cũ chép: “tháng 7 năm đó (1299) [1] dựng am Ngự Dược ở núi Yên Tử”. Am xưa đổ nát, song vẫn còn kiến trúc xưa khá rõ: Diện tích nền am 95 mét vuông, kiến trúc hình chữ Đinh (丁) gồm ba gian Tiền đường và một gian hậu cung, được xây bằng những khối đá hình hộp chữ nhật. Gần am vẫn còn dấu vết của bốn ngôi tháp cổ, gồm ba tháp gạch, một tháp đá; bia tháp ghi: Linh Quang bảo tháp thờ Thiền sư tên húy là Diệu Viên, tên hiệu là Minh Minh, tháp được xây năm 1734. Quanh am có nhiều cây tùng cổ, các cấp nền kè đá, đường đi lại quanh am và lối xuống suối Bạc người xưa kè bằng đá.
[1] Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 8 năm Kỷ Hợi, Thượng hoàng [Trần Nhân Tông] từ phủ Thiên Trường vào núi xuất gia tu khổ hạnh”... “tháng 7 năm đó (năm Kỷ Hợi - 1299) dựng am Ngự Dược ở núi Yên Tử”.
Đang online:
today:
yesterday:
total:
avg: