711 năm lễ giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Vào 1.11 âm lịch hàng năm là lễ giỗ (nhật niết bàn) của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài vừa là Vua vừa là Phật, ngài đã để lại cho chúng ta dòng Thiền thuần Việt - Thiền Phái Trúc Lâm.
Ngày nay, Thiền phái Trúc Lâm là dòng thiền có sức sống mạnh mẽ, lan tỏa, bởi nó chứa đựng giá trị cao đẹp gắn kết giữa đạo và đời.
Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, về Yên Tử, mỗi phật tử thuần thành như tìm lại chính mình, làm cho tâm thanh tịnh để phấn đấu làm nhiều việc có ích cho đời.
Những ngày cuối tháng 10 âm lịch hàng năm là dịp để không chỉ các du khách trong nước mà còn có các đoàn khách du lịch nước ngoài hành hương về Yên Tử. Với họ, đây là thời điểm có ý nghĩa trong năm vì gắn liền với ngày giỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Năm 2019 - 1.11 âm lịch nhằm 25.11.2019 dương lịch

Lễ cúng Phật - cúng Tổ - nhiễu tháp Phật Hoàng

từ 21:00 - 24:00 |25/11/2019

Chùa Hoa Yên - núi Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí

Đại lễ tưởng niệm 711 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết Bàn

từ 09:00 - 11h00 | 26/11/2019 tại

tại Cung Trúc Lâm - Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí

Cùng với hành trình đi tìm hạnh phúc, luôn có một hành trình thầm lặng khác, hành trình giác ngộ thiện tánh trong tâm mỗi người. Trong tháng 11 này, hành trình hướng về Đại lễ tưởng niệm 711 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn cũng là hành trình hướng vào bên trong, soi sáng chính mình. Chuẩn bị cho chuyến đi của bạn về Legacy Yên Tử sẽ xứng đáng là trải nghiệm trọn vẹn cảm xúc. Cùng hướng tâm về đất tổ Trúc Lâm, thăng hoa viên mãn chốn non thiêng.

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG - SƠ TỔ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM

Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông. Khi đản sinh, thân thể ngài có ánh kim như vàng và nhiều tướng tốt nên được vua cha gọi là Phật kim.

tượng đức phật hoàng

Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh để dạy cho Ngài. Chính Vua cha cũng đã soạn dạy cho Thái tử cách đối nhân xử thế, chuẩn bị nối nghiệp sau này. Lúc bấy giờ Ngài học thông hiểu rộng mọi kiến thức được truyền dạy.

Về Phật pháp, Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tâm đắc nhất là câu: “Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được” và rất mực tôn kính Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài thường tới lui chùa trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam bảo.

Năm 16 tuổi (1274), Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và cùng năm Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thán.

Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo.

Trước thảm họa ngoại xâm, quân Nguyên - Mông chuẩn bị xâm chiếm, năm 1282, Ngài chủ trì Hội nghị Bình Than để lấy ý kiến toàn dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Năm 1284, trước khi cuộc chiến tranh diễn ra, Ngài chủ trì Hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến các vị Bô lão, toàn thể hội nghị già trẻ, gái trai đều một lòng quyết chiến. Năm 1285, với tinh thần bảo vệ tổ quốc của toàn dân, Ngài đã lãnh đạo thắng lợi cuộc xâm lăng của đế chế giặc giã hung tàn. Năm 1288, Ngài tiếp tục lãnh đạo toàn dân đánh bại quân Nguyên – Mông lần thứ hai.

Hai câu thơ của Ngài hãy còn vang vọng:

“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng”

Khi đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, Ngài đã củng cố triều đình, bỏ qua những lỗi lầm của quần thần cũng như thân tộc, đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước thời hậu chiến.

Năm 1293 (41 tuổi), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng.

Năm 1294, Ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi và làm cho nước Triệu Voi tiếp tục thần phục Đại Việt.

Sau khi chinh phạt Ai Lao, Ngài trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Năm 1299. Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà”, sau độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.

Năm 1301, Ngài hạ san, thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành và nghiên cứu về tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang. Trở về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường giảng kinh, thuyết pháp, mở Hội đại thí vô lượng.

Năm 1304, Ngài chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan v.v…

Sau chuyến thăm hữu nghị Chiêm Thành năm 1301, Ngài có hứa đính hôn Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân. Năm 1305, Vua Chiêm Thành sai phái đoàn sang xin cầu hôn. Đến năm 1306, Ngài đứng ra chứng minh hôn lễ giữa Công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành. Chiêm Thành khi ấy đã dâng hai quận Châu Ô, Châu Rí cho Đại Việt.

Năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm và Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trong thời gian đó, Ngài thường về các chùa để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các thời khóa vân tập…

Sau khi truyền Y Bát cho Tôn giả Pháp Loa, Ngài tập trung biên soạn Kinh sách và Ngữ lục. Qua đó, Ngài đã để lại cho đàn hậu học một số tài liệu vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục v.v….

Trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ qua sự trả lời cho thị giả hầu cận bên Ngài là Bảo Sát: “Tất cả pháp không sanh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi”.

bảo tháp yên tử

Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308) tại am Ngọa Vân - Đông Triều - Quảng Ninh, thọ thế 51 năm. Sau lễ Trà tỳ, Ngài để lại nhiều xá lợi, Xá lợi được chia làm hai phần, một phần xây tháp thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng – Thái Bình; một phần xây tháp tôn thờ tại chùa Vân Yên - Yên Tử, Quảng Ninh, hiệu là Huệ Quang Kim Tháp, dâng Thánh hiệu: Đại Thánh Trần Triều, Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.

Đến nay, người dân Việt mỗi khi nhớ nghĩ về Ngài đều tỏ lòng tôn kính nhất mực, Ngài là biểu tượng của bậc minh quân trí tuệ xuất thần, là hiện thân của đấng giác ngộ phổ độ muôn loài bằng từ bi trí tuệ vô biên. Dòng thiền do ngài sáng lập là dòng thiền thuần Việt vẫn luôn tuôn chảy trong huyết mạch dân tộc suốt hơn 700 năm qua. Thật quá đỗi tự hào và cảm thán muôn phần.

Nam Mô Trúc Lâm Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Tổ Sư Tác Đại Chứng minh.