Từ Hòn Ngọc, theo bậc đá hành hương lên núi, du khách tới Vườn tháp Huệ Quang (Tuệ Quang) tọa lạc trên thế đất hàm rồng thờ ngọc cốt của các thế hệ Thiền sư đạo cao đức trọng tu hành tại Hoa Yên qua các thời Trần, Lê..., nơi tụ vượng linh khí của long mạch Yên Tử khởi nguồn từ đỉnh non thiêng theo hướng Bắc Nam.
Ở vị trí trung tâm Vườn Tháp là lăng Quy Đức, trong lăng có Tháp Tổ Huệ Quang lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tháp do vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa cùng các tăng môn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1309), sau một năm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.
Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của triều đại nhà Trần, tên húy là Trần Khâm. Ngài sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258). Lúc mới sinh, thân sắc Ngài vàng ánh tựa hoàng kim nên vua cha gọi yêu là “Kim Phật”. Từ nhỏ, Ngài bộc lộ bản tính thông minh, hiếu học và mộ Đạo. Năm 16 tuổi, Ngài được phong làm Hoàng Thái tử. Làm vua ở tuổi 20, Ngài tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, hai lần (vào năm 1285 và 1288) đánh thắng giặc Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh nhất thời ấy. Ngay sau cuộc chiến, Ngài thực hiện thành công hòa giải dân tộc, xây dựng đất nước thịnh vượng.
Năm 1293, ở tuổi 35, Ngài truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (Trần Anh Tông). Ở ngôi vị Thượng Hoàng, vừa giúp vua Anh Tông trị quốc, Ngài vừa chuyên tâm giảng cứu kinh sách Phật.
Năm 1295, Ngài thực tập xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình).
Tháng 10 năm 1299, Ngài xuất gia về Yên Tử tu hành, lấy pháp danh là Hương Vân Đại-đầu-đà, đạo hiệu là Trúc Lâm đại sỹ. Ngài cùng Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập nên Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài biểu hiện cao nhất tinh thần từ bi và trí tuệ, đạo pháp gắn liền với dân tộc.
Ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Ngài viên tịch tại Am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử, thi hài được hỏa táng, một phần xá lợi được thờ ở tháp này.
Hơn 700 năm qua, Huệ Quang Kim Tháp đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất vào thời Lê Dụ Tông (1705-1729). Tháp cao 7m. Đế tháp hình lục lăng, chạm trổ hoa văn sóng nước mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Trần. Chân tháp phình ra hình cổ bồng, phía trên là đài sen có 102 cánh sen đỡ lấy khám thờ ở tầng một. Cánh hoa sen được trang trí hình hoa dây mềm mại mang đặc trưng nghệ thuật thời Trần. Tháp xây năm tầng, ghép bằng các khối đá xanh. Mái tháp được trang trí hoa văn lá đề với hình rồng mang đậm phong cách thời Trần. Tầng một của tháp, về hướng Nam, có khám thờ bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch, tượng ngồi thiền ở thế liên hoa (hoa sen). Bệ tượng được trang trí hình hoa văn rồng, hoa cúc, hoa sen và mây lửa. Các mảng chạm khắc trên tượng và bệ tượng đều mang phong cách nghệ thuật trang trí thời Lê sơ.
Quanh Lăng Quy Đức tọa lạc các tháp thờ Thiền sư có niên đại thời Lê: Tháp Tôn Đức thời Thiền sư Minh Hành (1596 - 1659), tháp Diệu Đăng thờ sư bà Diệu Đăng (? - 1685), tháp Trường Quang thờ sư bà Diệu Tín (? - 1687), tháp Chân Thường thờ Thiền sư Giác Viên Tuệ Hỷ (1656 - 1738), tháp Hoa Quang thờ Thiền sư Tính Hải (1711 - 1770), tháp Tư Hiếu thờ Thiền sư Tịch Phổ (mất ngày 05 tháng 6 năm Kỷ Dậu)…
Qua cổng sau Lăng dẫn lên chùa Hoa Yên là Đường Gạch Hoa Cúc. Những viên gạch lát đường được phục chế theo nguyên mẫu gạch hoa cúc thời Trần. Tọa lạc ở hai bên đường là hai hàng tháp mộ thờ ngọc cốt các Thiền sư. Sau hai hàng tháp là hai hồ nước hình tròn được gọi là hai Mắt Rồng, xưa Đức Tổ trồng sen hái hoa dâng cúng Phật.
Bên Lăng Quy Đức, quanh Vườn Tháp, những cây tùng, cây đại có tuổi hàng trăm năm vươn tán lá che nắng che mưa cho các tháp. Với sự sầm uất của các tháp mộ ở đây, Vườn Tháp Huệ Quang đã trở thành chứng tích khẳng định vị thế quan trọng vào bậc nhất của khu vực chùa Hoa Yên trong quần thể Di tích - Danh thắng núi Yên Tử.
Vườn Tháp Huệ Quang tọa lạc trên thế đất hàm rồng, được coi là trái tim của Non thiêng. 97 ngọn tháp trong vườn tháp này và cả nhiều nơi khác tại Yên Tử thờ ngọc cốt của các thế hệ Thiền sư đạo cao đức trọng tu hành tại Hoa Yên qua các thời Trần, Lê, Nguyễn...,. Đây là nơi tụ vượng linh khí của long mạch Yên Tử khởi nguồn từ đỉnh non thiêng theo hướng Bắc Nam.
Ở trung tâm Vườn Tháp là Huệ Quang Kim Tháp (Tháp ánh sáng trí tuệ) - nơi hiện lưu giữ xá lợi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông - Đệ nhất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam. Tháp do vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1309), một năm sau khi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn. Ngôi tháp đến nay còn khá nguyên vẹn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, tâm linh, Bảo tượng của Ngài được tạc bằng đá cẩm thạch vào thời Lê Sơ (thế kỷ 17) và đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Xung quanh Tháp Tổ còn có các tháp thờ các thiền sư nổi tiếng có niên đại thời Lê.
Những cây tùng, cây đại có tuổi hàng trăm năm vươn tán lá che nắng che mưa cho các tháp càng tăng thêm vẻ trầm mặc, uy nghi của Vườn Tháp. Nơi đây đã trở thành chứng tích khẳng định vị thế quan trọng vào bậc nhất của khu vực chùa Hoa Yên, góp phần tôn vinh vẻ thâm nghiêm, huyền bí của Yên Tử sơn.
__________
Danh sơn Yên tử 2021
Đang online:
today:
yesterday:
total:
avg: