"Cuối tuần này ra Phú Quý đi. Mùa này vắng khách, không sợ hết vé tàu đâu. Ra ăn cua đá, cua mặt trăng ngon tuyệt vời", Giỏi, một anh bạn người ở Phú Quý, gọi điện thoại rủ rê. Tôi rủ thêm hai người bạn nữa xách balo lên đường ra huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, một trong 12 huyện đảo của Việt Nam.
Chúng tôi đi chuyến xe từ TP.HCM ra Phan Thiết mất gần 5 tiếng đồng hồ, ngủ lại một đêm rồi sáng hôm sau mua vé tàu cao tốc ra đảo, với hành trình hôm đó chỉ mất 2 tiếng 50 phút. Ấn tượng đầu tiên là không khí trên đảo mát lạnh, mát dịu, chứ không gắt như nhiều vùng biển khác.
Thiên đường biển Phú Quý - Video
Mọi con đường lớn nhỏ trên đảo đều được đặt tên. Người dân rất tuân thủ luật giao thông, ra đường đều đội mũ bảo hiểm và không có cảnh phóng nhanh vượt ẩu. Khá thú vị là trên đảo các ngã ba, ngã tư không cần trụ đèn giao thông mà chỉ có vòng xoay nhỏ nhỏ. Dọc con đường đi từ bến tàu vào homestay của Giỏi có rất ít nghe tiếng còi xe inh ỏi. Chỉ điều đó thôi đã thấy thích rồi!
Dọc những con đường đều rợp bóng cây xanh và cây hoa: cách tiêu, bàng, sứ, bàng vuông, phượng, bằng lăng, có cả cây muồng bò cạp, hoa dừa cạn... Nhiều nhà trồng cây kiểng dọc theo bờ tường thấp lè tè, treo những giỏ hoa trước nhà. Không ít nhà còn tỉa cây rất kỳ công. "Sáng dậy sớm có thể thấy hoa bàng vuông rụng đầy gốc cây. Người dân luôn quét nhà, quét sân, quét đường sạch sẽ", Giỏi vừa chạy xe vừa giới thiệu về mảnh đất quê hương.
Chúng tôi chọn hình thức ở nhà dân (homestay) để trải nghiệm cuộc sống với người bản địa. Đó là căn nhà cấp 4 mà ba mẹ Giỏi xây từ năm 2013, chỉ cách biển mấy bước chân. Chúng tôi sà xuống bộ bàn ghế đá dưới tán cây cách tiêu tuổi đời mấy chục năm mà dân đảo trồng để chắn gió. Gió biển lồng lộng thổi, cả nhóm cứ xuýt xoa ước nhà mình cũng có góc ngồi "thần thánh" này.
"Tui dẫn mọi người ra bè ăn hải sản nha. Cua, ốc, cá... tươi sống bao ngon, bao rẻ. Thích con gì vớt con đó", Giỏi giới thiệu. Đang đói bụng và khá mệt nhưng khi nghe anh chàng nói vậy, cả nhóm hào hứng đòi đi ngay. Từ homestay ra khu vực bè chưa tới 10 phút. Cả đám nhảy cẫng lên khi thấy mặt biển trong vắt với cát trắng mịn dưới chân. Lồng bè ngay trước mắt, chỉ lội chút xíu là đến, nhưng người của bè nhiệt tình, chu đáo tới mức đưa xuồng vào tận bãi đón.
Đầu bếp kiêm nhân viên phục vụ là 3 anh chàng đen nhẻm, nói giọng địa phương đặc sệt, nhanh đến mức cả nhóm cứ ngẩn tò te, không hiểu, nhưng lại thích nghe vì thú vị và dễ thương quá chừng. Chủ bè là anh Sáng, một người dân bản địa ở xã Tam Thanh. Thu nhập chính của anh là nuôi cá trong lồng kết hợp làm du lịch gần 3 năm nay. Ốc ở đây có hơn chục loại: ốc giác, ốc vú nàng, ốc trăng, ốc hoàng hậu, ốc đỏ, ốc sắc, ốc bàn ủi, ốc gai, ốc tai bồ.... Giá siêu rẻ, chỉ bằng một nửa những vùng biển du lịch khác.
Ốc nhảy 90.000 đồng/kg. Ốc bàn tay - một trong những loại ốc ngon nổi tiếng Phú Quý - chỉ có 18.000 đồng/ con. Ốc hoàng hậu mắc nhất cũng chỉ 450.000 đồng/kg. Cua ở đây có đến 5 loại: cua đỏ, cua mặt trăng, cua đá, cua xanh, cua huỳnh đế. Cua mặt trăng - một loại cua độc đáo với những chấm đỏ tròn trên mai - rẻ hơn một nửa so với nơi khác. Ngạc nhiên nhất là hàu đá và nhum, chỉ có 20.000 đồng/con.
Thưởng thức hải sản tại bè - Video:
Món ăn được dọn dần ra trong sự háo hức của cả nhóm. Cua đỏ đúng như cái tên gọi: đỏ từ ngoài vào trong, thịt cũng màu đỏ. Cua mặt trăng không khác lời đồn: thịt rất ngọt, thơm. Vậy mà cua đá còn ngon hơn: ngọt hơn, chắc thịt hơn, thơm hơn.
Trên đường về homestay mới thấy buổi trưa trên đảo thật thú vị. Bạn dễ dàng bắt gặp cảnh người lớn, con nít, người già, thanh niên, đàn ông, phụ nữ... trải chiếu ngồi chơi ngoài đường. Người dân thích ra trước nhà ngay sát đường mắc võng, trải chiếu nằm chơi, nằm ngủ, ăn cơm trưa, làm rau, gọt củ, tám chuyện. Cảm giác như người dân đảo thích ngồi ngoài đường hơn trong nhà. Hàng quán cũng rất đơn giản: kê giỏ nhựa, mẹt bày bán ngay trước nhà các món như sò, cá, trái cây, chè...
12 huyện đảo Việt Nam
Miền Bắc: Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh)
Miền Trung: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa)
Miền Nam: Côn Đảo (Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quốc (Kiên Giang)
Dù ở ngoài đảo, người dân Phú Quý lại dùng gùi như bà con ở phía Tây Bắc, Đông Bắc để lên rừng, lên rẫy cõng khoai, bắp, sắn, na, dưa hấu... Thấy khách lạ tò mò nhìn ngó, giơ máy ảnh lên chụp, họ cười bắt chuyện, thân thiết và tự nhiên như quen biết từ lâu. Giỏi bảo, người dân Phú Quý rất hiếu khách. Ngày trước, khách từ đất liền ra rất hiếm nên người đảo thấy lạ lắm, thích lắm. Lạ từ cách ăn mặc, giọng nói. Dân đảo mời khách về nhà bằng được, nấu nướng mời ăn rồi mời ngủ lại nhà. Có khi còn dẫn đi giới thiệu với bà con họ hàng, rồi bà con họ hàng lại mời ở lại ăn cơm.
"Dân đảo sống rất đoàn kết, tính cộng đồng cao lắm. Khi có người qua đời hoặc gặp hoạn nạn, dù không phải là họ hàng, người dân đều rủ nhau đến chia buồn, thăm hỏi", Giỏi cho hay.
Đảo Phú Quý khá nhỏ, chạy một vòng chỉ mất 15 phút nên chúng tôi tự chạy xe máy khám phá những điểm đẹp nhất. Chiều dù nắng vàng rực rỡ nhưng mát lạnh, không có cảm giác khó chịu. Chúng tôi hỏi người dân đường lên núi Cao Cát trước. Đây là 1 trong 3 ngọn núi chính của Phú Quý (còn lại là núi Cấm, núi Ông Đụn. Núi Cấm được xem như một phao tiêu thiên nhiên để ngư dân "bắt" được đảo trong những cuộc hải trình. Trên núi có ngọn hải đăng được đánh giá là một trong những hải đăng lớn nhất nước).
Núi Cao Cát là ngọn núi san hô cao 85m nhô lên phía bắc đảo Phú Quý. Hàng vạn năm bị nước biển xâm thực và gió biển bào mòn tạo nên những lớp sóng trên đá, đẹp và lạ vô cùng. Trên đỉnh núi có nhiều mỏm đá và hang động nguyên sinh sâu hun hút vào tâm núi. Chúng tôi thậm chí còn nhìn thấy nhiều vỏ ốc, những mảnh vỡ san hô rải rác khắp núi.
Khám phá núi Cao Cát
Đây là một trong những địa điểm khách du lịch thường đứng ngắm hoàng hôn, thấy được cả biển và những trụ điện gió (dân đảo hay gọi là phong điện) quay quay trong trời chiều, tuyệt cú mèo.
Rời núi Cao Cát, chúng tôi chạy xuống hòn Đỏ nơi có mộ thầy Nại - một thầy thuốc người Hoa đi tàu gặp bão bị dạt vào đảo rồi ở lại với dân đảo. Người dân tự hào khoe hồi đầu năm 2019, đoàn làm phim Anh thầy và ngôi sao đã ở đây hàng tháng trời, dựng ngôi nhà trên hòn Đỏ để quay. Sau khi rời đi, đoàn làm phim đã gỡ ngôi nhà, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Từ hòn Đỏ chạy ra cột cờ rất gần. Cột cờ là tên mà dân đảo quen gọi, thực ra là cột mốc chủ quyền. Từ xa đã nhìn thấy lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió. Bên trái là gành Hang, một bãi biển đẹp thường được nhiều du khách xuống tắm, chụp ảnh và lướt ván. Bên phải cột cờ nhìn ra chính là hòn Tranh, gần vịnh Triều Dương.
Vịnh Triều Dương là một trong hai bãi tắm đẹp nhất đảo. Con đường từ cột cờ chạy về vịnh Triều Dương đẹp ngỡ ngàng với nắng vàng, biển xanh, những mỏm đá nhấp nhô ven biển màu nâu đen vì được hình thành từ nham thạch núi lửa. Những vạt hoa muống biển tím càng làm cho Phú Quý thêm hoang hoải, lãng mạn.
Từ vịnh Triều Dương nhìn ra thấy hòn Tranh trước mặt, che gió chắn sóng cho bãi biển đẹp nhất đảo. Người dân, du khách hay đến cắm trại, ăn uống dưới rừng phi lao, ngắm biển và ngắm hòn Tranh.
Đến Phú Quý nhất định phải ra hòn Tranh ngắm san hô, bắt nhum, câu cá. Chúng tôi thuê cano đi qua hòn Tranh (cách đảo Phú Quý 2km). Ngoài đảo chính, Phú Quý còn có hàng chục hòn đảo nhỏ, trong đó lớn nhất là hòn Tranh. Xưa kia, hòn này là đảo hoang, cỏ tranh mọc um tùm. Người dân địa phương thường chèo thuyền sang cắt cỏ tranh về lợp nhà nên gọi là hòn Tranh.
Ở hòn Tranh, nước biển sạch, trong vắt và đẹp đến nỗi dù người không biết bơi cũng nên ngụp xuống nước ngắm san hô. Khung cảnh đẹp đến siêu thực hiện ra dưới làn nước trong vắt. Những cụm san hô với nhiều hình dạng, màu sắc cứ huyền ảo đổi màu lung linh dưới nước. Cả đám phấn khích lặn ngụp ngắm san hô đến quên cả giờ phải đi bắt nhum cho bữa tối.
Phú Quý không chỉ có biển đẹp. Đảo có gần 30 di tích đình, chùa, lăng, vạn... của người Việt. Đến Phú Quý, không thể không đến chùa Linh Quang ở xã Tam Thanh. Chùa Linh Quang được tạo dựng từ năm 1747. Vua Gia Long khi còn là Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã bôn tẩu ra Phú Quý và dừng chân tại chùa Linh Quang. Tháng 8-2019, tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa công nhận bảo tháp chùa Linh Quang là bảo tháp trên đảo lớn nhất Việt Nam.
Ở đảo an ninh đến mức để xe máy ban ngày lẫn đêm ngoài đường, thậm chí để luôn cả chìa khóa trên xe. Người dân đi ngủ không cần đóng cửa. Sáng sớm, những người đi chài lưới đã mang cá về sau một đêm thức trắng để những người mối quen đến tận nhà thu mua, mang ra chợ bán. Như buổi sáng đầu tiên ở nhà của Giỏi, mới 5h, nghe tiếng trò chuyện rầm rì, tôi mở cửa ra thì thấy cảnh mua bán cá ngay trong sân. Thì ra khi chúng tôi vẫn đang ngủ thì chú Sung, ba của Giỏi, chèo thuyền thúng ra biển câu cá. Thành quả sau một đêm là mấy chục kg cá.
Đi chợ hải sản ở Phú Quý - Video
Chú Sung là đời thứ ba ở trên đảo này. "Xưa dân đảo khổ lắm. Ở đây không có ruộng. Dân phải đi bứt đậu mèo về ăn. Đảo ít mưa lắm. Có người đói quá đi chặt mấy bụi dứa dại về ăn. Nó chua, ăn có ngon gì đâu nhưng đói, phải ăn. Quần áo thì tự dệt vải, nhúng đất bùn. Một bộ đồ mặc 50 năm", chú kể. Thời của chú Sung, ngư dân chỉ có thuyền chạy bằng buồm, không có máy. Mùa gió lớn về không đi biển được, nghỉ ở nhà. Ngày đó đi lại từ đất liền ra đảo khó khăn lắm, mất 12 tiếng, gặp sóng gió bị trôi dạt, có khi 24 tiếng mới đến đảo. Sau này Nhà nước đóng tàu nhanh, chạy chỉ mất ba tiếng rưỡi đồng hồ.
Người dân ở hòn đảo mang ý nghĩa của sự giàu có, trù phú này không còn khổ như ngày xưa nữa. Chuyện dân đảo thấy người từ đất liền ra không còn lạ. Ngày càng có nhiều người biết đến Phú Quý hơn. Du khách chắc cũng như chúng tôi, đến Phú Quý một lần rồi đều muốn quay lại. Anh bạn đi cùng nói sẽ dẫn vợ con và bạn bè ra Phú Quý chơi nữa. Những người khách ở homestay trước khi về không ít người hẹn bảo Tết này lại đảo chơi.
Có lẽ khách cũng như tôi, quá yêu cảnh đẹp nơi này và nhất là sự hiền lành, chất phác, thật thà, nhiệt tình của dân đảo. Ba anh em chúng tôi đứa nào cũng bảo sẽ quay lại đảo lần nữa, mà đi đông hơn.
Đặc sản thịt bò của đảo Phú Quý
Do liên quan đến biên giới quốc gia, việc khách nước ngoài được ra đảo tham quan còn rất hạn chế, phải làm việc với Phòng xuất nhập cảnh trước. Huyện đã nỗ lực để xin tháo gỡ nút thắt này. Các di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, các điểm tham quan du lịch chưa bán vé, khách vào tự do.
Phú Quý vẫn còn nhiều khó khăn cho việc phát triển du lịch như: giao thông, môi trường, nguồn nước phục vụ du khách cũng như việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho du lịch chưa được đầu tư đồng bộ. Giao thông vận tải tuyến Phú Quý - Phan Thiết chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, do phụ thuộc luồng lạch ra vào cảng.
Nguồn nước tại Phú Quý chủ yếu là nước ngầm. Nếu không có kế hoạch khai thác hợp lý và dự trữ nguồn nước thì có nguy cơ nước bị nhiễm mặn và không đủ nước ngọt để dùng.
Bảo tàng xương cá ông Vạn An Thạnh
Huyện phát động toàn dân dùng sản phẩm thân thiện môi trường thay cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần. "Huyện xác định hướng phát triển lâu dài của Phú Quý là dựa vào thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh theo kiểu bền vững. Ngoài ra, huyện đang tập trung các đề án bảo tồn biển, cũng có thể sẽ trao cho tổ chức cộng đồng quản lý. Phú Quý rất quan tâm đến phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, thu hút toàn dân chung tay tham gia phát triển du lịch xanh, sạch, đẹp", ông Ngô Tấn Lực cho biết.