“Trăm năm trong cõi tu hành Chưa đến Yên Tử chưa thành quả tu”
Hai câu trên được chạm lên bức hoành phi rất lớn, treo ngay chính giữa gian nhà xây kiểu truyền thống của ga cáp treo dưới chân núi ở Yên Tử. Theo logic học thì “đến Yên Tử” sẽ là điều kiện cần để trở thành “quả tu” nhưng có vẻ gần đây nhiều người đang ngộ nhận rằng “đến Yên Tử” là điều kiện cần và đủ để trở thành “quả tu”, nên họ cố bằng được, chỉ cần lên đến đỉnh là (có lẽ) Trời Phật đã chứng giám cho mình là chân tu rồi.
Mới đây, nhà báo Đức Hoàng có một status trên trang facebook (và một bài báo mạng) đại ý về việc người Việt không coi trọng thánh thần, có đền thì đông nghịt, đền khác lại vắng tanh; trích đoạn: “Xếp hạng này không dựa trên công trạng của họ, dựa trên ý nghĩa lịch sử, dựa trên sự quý giá của kiến trúc và di vật nơi thờ tự, dựa trên những bài học họ để lại cho hậu thế hay bất kỳ thứ gì nhân văn khác. Nó dựa trên cái gọi là ‘sự linh thiêng’ hay nôm na là khả năng ban phát lộc lá – vốn được rank bởi sự truyền khẩu mê muội. Chỗ này 5 sao, tức khắc trở thành biển-người tràn ra vỉa hè xì xụp, không cần biết trên ban thờ là ai, đã làm gì trong lịch sử. Chỗ kia không được xếp hạng, thì quạnh hiu như bất kỳ quán phở Nam Định nào.”
Khá nhiều người tán thưởng, chửi dân ta không tiếc lời. Mình không phải là bạn facebook nên không comment được, mặc dù bài viết về cơ bản là đúng nhưng mình cũng muốn phản đối một tí.
Thực ra người ta lũ lượt kéo nhau đi đền chùa miếu phủ cũng là dựa trên sự công nhận độ linh thiêng của chính quyền đấy chứ. Các triều đại khi trước thì ban sắc phong thần thánh, có thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng hẳn hoi.
Ngày nay các di tích lịch sử thì có cấp tỉnh, cấp quốc gia và gần đây nhất mới có
cấp quốc gia đặc biệt nữa.
Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt nên đi vào dịp đầu xuân thì chen chân không nổi là cái chắc.
Cả năm không có thời gian, nghỉ Tết sắp xếp mãi mới có một ngày, thôi thì đành hòa vào dòng người trùng trùng dân đi như sóng tiến vào Yên Tử và chấp nhận mang tiếng là mê tín, chen nhau đi chùa như anh nhà báo nói vậy.
Quang cảnh từ trên cao nhìn xuống, trùng trùng điệp điệp núi non. Tất cả khách bộ hành im lặng ngắm cảnh, chỉ có tiếng lá trúc lao xao. Chỗ ở giữa là bãi đỗ xe và dự án khu dịch vụ thương mại gì đó.
Vấn đề đầu tiên mà ai đi
Yên Tử cũng bàn nhau là: leo bộ hay là cáp treo đây? Nhiều người mới chỉ hơn ba chục tuổi đầu mà nghe đến leo bộ Yên Tử là đã lắc đầu nguây nguẩy trong khi vẫn có rất nhiều các cụ đầu tóc bạc phơ, đặc biệt là các cụ bà, tay chống gậy trúc leo phăm phăm, lúc mệt thì lẩm nhẩm “A Di Đà Phật”.
Đáng khâm phục nhất là các Phật tử đi kiểu tam bộ nhất bái, cứ ba bước lại quỳ lạy một lần, phải mấy ngày mới đến đỉnh. Cách đây cũng khá lâu, lúc mới có cáp treo, ông nội mình hơn 70 tuổi và ông hàng xóm bằng tuổi thi với nhau bằng cách leo lên đỉnh Yên Tử. Hai cụ leo từ dưới sân lên đến đỉnh, lúc đi xuống đến giữa thì ông hàng xóm không chịu được, xin thua, lên cáp treo đi về trước. Ông nội mình tiếp tục thong thả đi bộ xuống đến chân núi. Sáng hôm sau ông nội sang nhà ông kia chơi mới hay tin ông ấy đã đi… cấp cứu trên viện từ đêm. Ông về bảo đám con cháu:”Đấy chúng bay xem, tao còn đi bộ được mà chúng bay cứ èn èn đi cáp treo là thế nào?”. Lớn bé ngồi im thin thít!
Mình nghe lời khuyên của bác Candid là một chuyên gia tim mạch, nên cũng bắt đầu chạy bộ để rèn luyện sức khỏe. Thấy cơ tim dạo này cũng tàm tạm nên lại nổi hứng leo bộ. Người ta vẫn thường leo Yên Tử để thử sức và đúng như câu khẩu hiệu của công ty Tùng Lâm, đơn vị đầu tư hệ thống cáp treo ở đây:
“Hành trình trở về chính mình”.
Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi mà vì lòng người ngại núi e sông.
Leo núi cũng như chạy bộ là một dạng thử thách vượt qua bản thân mà thôi. Ngày trước chưa có bậc, đường còn trơn trượt, giờ đã có bậc thang, các cụ còn leo được nhẽ nào mình không? Thế mà rủ bã bọt mép không có ai chịu leo cùng, đành khoác tay nải lên đường đi một mình vậy.
Xe khách dừng lại ở ngoài đường 18, trước cổng chùa Trình.
Theo nguyên tắc là phải “đi trình về tạ” (nếu không muốn “đi Yên về Tử”) nhưng mà dân mình cứ hay “đi tắt đón đầu” nên đành bỏ qua khâu vào trình.
Đã tưởng phải đi xe ôm vào trong chùa vì còn những 14km nữa từ ngoài đường cái mà đường nhỏ, xe đông nên không đi bộ được. May quá có xe buýt, 10.000 một vé đi từ cổng chùa Trình vào đến mãi trong. Năm nay chắc mới học tập Ninh Bình, còn một đoạn nữa nhưng chặn các xe lại, khách có thể đi bộ hoặc xe điện, ngồi xe thêm 3km lòng vòng mới đến chân núi, mất 10.000 nữa.
Với những ai chưa đi Yên Tử bao giờ hoặc đã đi nhưng chưa hiểu kĩ lắm thì mình xin nói sơ qua thế này:
người ta không nói đi chùa Yên Tử mà chỉ nói đi Yên Tử vì đây là một quần thể các chùa mà trong đó tập trung nhiều nhất ở núi Yên Tử, một ngọn núi cao thuộc cánh cung
Đông Triều, bên này núi là tỉnh
Quảng Ninh, bên kia núi là đất Bắc Giang.
Giống như các hệ thống đền chùa xây trên một ngọn núi, Yên Tử cũng có ba vị trí Thượng, Trung, Hạ, có điều mỗi chùa đều có tên riêng.
Chùa Hạ là chùa Giải Oan, chùa Trung là chùa Hoa Yên (mà hầu hết người ta đọc thành Hoa Hiên) và chùa Thượng nằm chót vót trên đỉnh là chùa Đồng (tên chữ là Thiên Trúc Tự nhưng không ai gọi bao giờ).
Ngoài ra còn rất nhiều chùa khác, mỗi chùa đều có tên Hán tên Nôm, sự tích, mục đích xây, thờ ai rất phức tạp nên đề nghị bác nào hứng thú thì lên mạng tìm hiểu thêm.
Hôm ấy trời quang mây tạnh. Đứng dưới chân núi có thể nhìn thấy chùa Đồng trên đỉnh kia, xa xa bên phải là một cột cáp treo.
Ai đi Yên Tử cũng muốn lên đến chùa Đồng nhưng còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe mỗi cá nhân.
Hành trình lần này của mình như sau: đi xe buýt và xe điện từ Chùa Trình (1) vào đến sân, leo một đoạn là đến chùa Giải Oan (2).
Tiếp tục đến chùa Hoa Yên (3), nghỉ, leo tiếp lên chùa Vân Tiêu (4), nghỉ, leo đến An Kỳ Sinh – Tượng Phật Hoàng (5), nghỉ, lên đến chùa Đồng (6).
Đến đây là mất 2 tiếng rưỡi. Đi xuống đến ga cáp treo An Kỳ Sinh (7), đi cáp tuyến 2 đến Hoa Yên, đi bộ sang ga tuyến 1 và xuống đến sân (8).
Đoạn cáp treo này đi mất 1 tiếng, chủ yếu là do xếp hàng. Thuật ngữ chuyên môn gọi hành trình này là “đi lên bằng chân, đi xuống bằng mông”, không phải do mình không đủ sức leo xuống mà vì thời gian eo hẹp, mai lại còn hành trình khác nên phải đi cáp treo để rút ngắn thời gian.
Sơ đồ khu di tích trên trang mạng của công ty Tùng Lâm, mình chế thêm số vào cho tiện thuyết minh. Hình vẽ rất đẹp, rất giống, trừ cái kiểu dốc thoai thoải là lừa đảo.
Hôm ấy nhằm vào ngày mười bốn tháng Giêng năm Bính Thân, mới khai hội hôm mùng 10, lại vào ngày Chủ Nhật nên đoán trước là sẽ rất đông nhưng tự trấn an rằng đi một mình nên sẽ không phải chờ đợi ai cứ thế cắm đầu mà đi thôi. Nào ngờ người đông như kiến, hàng người chờ cáp treo dài dằng dặc ra đến mãi ngoài và hàng người đi leo bộ cũng đông không kém, nhiều chỗ cứ phải vừa đi vừa chờ người phía trên. Đến chùa Giải Oan thì không thể chen vào nổi, mình đành bỏ qua và đi thẳng một mạch không nghỉ lên đến Hoa Yên. Cứ vừa đi vừa lạng lách đánh võng vì thiên hạ hay đi dàn hàng ba, mà lại đi chậm, nhiều người hồn nhiên đứng nghỉ… giữa đường. Có lúc uất quá phải kêu lên: “Ai đi chậm đề nghị đi dẹp vào bên phải cho người sau đi với ạ”. Người Việt mình ngược đời, càng đi chậm lại càng đi về bên trái thế là mình đành “vượt phải” liên tục.
Biết trước là leo núi sẽ nóng nên dù trời hơi lạnh mình cũng chỉ mặc đúng một bộ thể thao – đồ ngủ, cả áo quần màu xám, có một áo gió mỏng trong ba lô. Người đi đường nhìn mình như sinh vật lạ, thế rồi được một đoạn có bác ngồi nghỉ bên đường, đầm đìa mồ hôi, áo khoác buộc ngang bụng như rất nhiều người gật gù: “Chính ra phải mặc như anh này mới hợp lý”, bà vợ nói ngay: “Mình đi chơi, đi lễ, trời thì rét mặc thế làm sao được!” (chị mặc áo phao đỏ, loại nhiều ngấn, ướt như chuột lột).
Từ Giải Oan lên Hoa Yên có hai đường: Đường Trúc hoặc Đường Tùng. Mình chọn đường Tùng (như trong sơ đồ có vẽ mấy cái cây ngay sau chùa và suối Giải Oan).
Hai bên đường là những hàng tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cao vút. Mặc dù không phải đường Trúc nhưng trúc vẫn mọc dày đặc ở bên trái đường. Người đi đường cũng cầm rất nhiều gậy trúc.
Rễ những cây tùng rất to, nổi ngoằn ngoèo trên mặt đất và vắt qua vắt lại trên mặt đường. Đến đoạn này những người yếu sức đã bắt đầu bơ phờ và ngồi nghỉ rất nhiều hai bên nên đường có thoáng hơn. Những người còn leo cũng đã thấy mệt nên họ chẳng quan tâm đến rễ cây, cứ dẵm bừa lên, hai bên có cành nào thò ra thì vịn. Mình thương cây cỏ từ bé, nên sợ làm đau chân các cụ Tùng, cố tránh hết sức có thể. Nhìn rễ các cụ Tùng bóng lộn như đầu các cụ Rùa mà xót. Qua vườn tháp Huệ Quang với những cây đại trụi lá (lên ảnh rất đẹp nếu không có người) là đến chân chùa Hoa Yên. Đến đây là hết nửa tiếng, nửa tiếng là leo khá nhanh nên đến đây phải đứng nghỉ, uống nước.
Chỗ này cũng là lối ra của ga cáp treo Hoa Yên. Người nước ngoài đi từ ga cáp treo lên chỉ có người Hàn Quốc. Họ tưởng ra khỏi cáp treo là đến chùa, ai ngờ vẫn còn phải leo, nhất là cái dốc dựng đứng ngay dưới chân Hoa Yên, mấy bà tóc xoăn đội mũ visor kêu lên đại loại “ối giời ơi”, “ối cha mẹ ơi”. Nghỉ đúng nửa tiếng thì lại lên đường. Chính điện chùa Hoa Yên không thể chen chân vào được, vừa mới vái được ba cái thì có người luồn tay qua dưới nách mình, cứ tưởng móc túi, hóa ra họ bỏ tiền vào hòm công đức. Thôi thì đành vái không khấn nữa, thế mà chen mãi mới ra được đến ngoài.
Đoạn bắt đầu từ Hoa Yên lên Vân Tiêu. Lác đác đã có những người đi sớm, trở xuống từ trên chùa Đồng. Họ vui vẻ động viên những người đang leo: “Cố lên các bác, đi được nửa (non) đường rồi, chả mấy (tiếng) nữa mà đến nơi”.
Từ chùa Hoa Yên lại có hai lối, một qua chùa Bảo Sái, một qua chùa Vân Tiêu. Đường bên chùa Bảo Sái thoải hơn nhưng dài hơn. “Được lợi bao nhiêu lần về lực thì thiệt bấy nhiêu lần về đường đi”, mình nghe một bác đứng đấy phát biểu Định luật về công cho thằng con như thế. Mình thì chọn đi Vân Tiêu, không phải vì nó ngắn hơn mà vì nó dốc hơn nên thưa người đi hơn. Nói là thưa chứ lên được một đoạn là thấy tắc đường. Đường bên này dốc hơn hẳn, có những chỗ không bám vào thì không lên nổi, may mà người ta đã làm tay vịn. Dốc đến độ một anh vui vẻ nói với bạn: “Hôm rồi đọc báo, thấy bảo phao câu ăn không tốt, cả Tết cứ vứt hết phao câu đi, hôm nay thì tha hồ mà ăn bù”.
Lên đến chùa Vân Tiêu thì không khí khác hẳn. Vân Tiêu nghĩa là Trời mây. Bớt người là một chuyện nhưng quang cảnh cũng khác, sương khói nhiều hơn và hơi thở của núi, đá, cây, trời đều cho ta một cảm giác cực kỳ nhẹ nhõm. Trong chùa khá vắng, gõ mõ gõ chuông thoải mái mà không bị ai chen. Ngồi hít thở tí không khí sạch tầm mười lăm phút rồi tiếp tục.
Chùa Vân Tiêu. Chụp ảnh di tích cổ ở Việt Nam rất khó, không có người thì cũng có khẩu hiệu, không khẩu hiệu thì cũng lại biển báo!
Đi một đoạn thì hai đường Bảo Sái–Vân Tiêu nhập làm một, đi lên An Kỳ Sinh. Trước đây An Kỳ Sinh chỉ là một cái mốc gần với chùa Đồng nhất. Chỗ này có tảng đá hình người, tượng truyền là đạo sĩ An Kỳ Sinh đứng chờ tiên đan nấu chín lâu quá mà hóa thành. Giờ thì người ta đã khuân lên đây một bức tượng Phật Hoàng rất lớn và xây thêm một ga cáp treo đi từ Hoa Yên lên. Trước đây cáp treo chỉ đến Hoa Yên nên đoạn từ Hoa Yên trở lên, là đoạn leo khó hơn, tương đối thoáng đãng, dù ngày lễ vẫn có cái không khí trầm mặc của chốn tu hành. Giờ thì ngồi cáp treo một lúc là đến, dân ta kéo nhau nô nức trẩy hội, tượng An Kỳ Sinh lọt thỏm giữa đường, bị bỏ qua, người ta đứng chụp đông vui “ở chỗ cái tượng vàng vàng, to đùng ấy em ạ”. Trong đám đông thấy có cả nhiều người nói giọng miền Nam nữa. Tình cờ gặp lại một người lúc nãy dưới sân mình nhặt hộ cái mũ: “Ô, anh đã lên đến đây rồi đấy à, thế ra anh đi bộ nhanh bằng em đi cáp treo, cũng mất hai tiếng, nhà em đứng xếp hàng lâu ơi là lâu”. Viettel dựng hẳn cột sóng trên này khiến các bạn trẻ cứ đăng ảnh lên facebook nhoay nhoáy. Thời của du lịch là đây!
Lại lời người bên đường: “Chao ôi những người là người, nom cứ như chùa Hương ấy em nhỉ?”. Một ý kiến khác: “Gớm đông cứ như quân Nguyên ấy!”. Trả lời: “Nguyên đâu mà Nguyên, toàn là dân Việt Nam đánh thắng quân Nguyên đấy chứ”. Chốt lại:”Hôm nay mới thấy đúng là nước mình chín mươi triệu dân”.
Đoạn cuối lên đến chùa Đồng lởm chởm toàn đá nhưng người ta cũng đã làm những mấu nhỏ bằng xi măng trộn sỏi để dẵm chân lên. Thông thường lên đến đỉnh, đích đến của một hành trình thì người ta thường thấy sảng khoái. Còn trong trường hợp chùa Đồng, đỉnh Yên Tử chỉ là một mỏm đá bé tí nhưng người (mượn đường cáp treo) lên thì đông, thành ra bị quá tải chỗ đứng, cứ như đường phố Hồng Kông giờ tan tầm. Không thể chen vào mà cũng không có cách nào đứng yên, mình đành đi vòng ra sau lưng chùa để tìm đường xuống. Sau lưng chùa, các cô các chị đang ra sức mài tiền vào phần đế của chùa. Nước đồng bóng loáng như kiểu sắp Tết bố mẹ sai lũ trẻ con dùng muối, dùng dấm đánh bóng đồ thờ. Trên một mỏm đá là đông nghịt thành viên của một võ phái nào đấy mặc võ phục trắng phau, ngồi la liệt, chủ yếu là các em các cháu còn đi học làm cho đất đã chật người lại càng đông.
Đường từ chùa Đồng xuống rất đẹp, bậc thang thẳng thớm, độ dốc vừa phải. Ngay lập tức đã thấy hai anh đi trước đề xuất: “Biết thế đi lên bằng đường này thì lúc nãy đỡ phải leo trèo đường đá”. Mình ngứa mồm quá đành lên tiếng dẹp bỏ ý định đi ngược chiều: “Các anh không leo như thế thì làm sao các ngài chứng cho được?”. Trật tự được một đoạn ngắn thì có tiếng trả lời: “Nhưng mà cứ làm sao lên đến đấy là được, các cụ chứng giám cho hết.” Và lúc sau thì thấy có mấy người đi ngược chiều lên thật.
Đâu cũng có người. Thôi thì đành chụp Si Vẫn trên mái chùa Đồng vậy, không hiểu sao lại design một em uyên ương ngồi vắt vẻo trên đầu đao?
Ngồi cáp treo đi xuống mới thấy đoạn đường Vân Tiêu dốc dựng đứng. Cảnh núi rừng hai bên rất đẹp. Trúc bạt ngàn, thông cổ thụ xanh biếc cao vút, đôi chỗ thấy có những hoa rất đẹp mà lạ. Nhưng mà hoa ơi, trốn cho kĩ vào, chứ mai vàng Yên Tử người ta đã nhổ đi trồng vào chậu bằng sạch, giờ lại bắt đầu chuyển sang chơi đào chuông Yên Tử rồi. Cảnh ở ngoài đẹp còn cảnh trong cabin cũng thú vị không kém. Tôi ngồi cùng với toàn phụ nữ, mẹ con cô cháu gì đấy. Người nhắm mắt, mím môi, người úp hai tay lên mặt, người bịt tai và rồi tất cả bám chặt vào nhau. Cabin đi qua một cột thì rung lắc và có cảm giác hơi hẫng, một em xinh đẹp rú lên: “Ối giồi ôi!”. Bé gái tò mò, mở mắt ra liếc nhìn cây rừng thì mẹ quát ngay: “Nhắm mắt vào, đừng có nhìn, sợ lắm đấy!”. Rõ tội, đi mà sợ đến thế thì đi làm gì cho khổ, nhỡ có mệnh hệ gì lại ân hận cả đời. Mình định trêu bảo trên vé ghi là đã có bảo hiểm chị ạ nhưng sợ ăn chửi nên thôi. Xếp hàng đi xuống cáp treo đã khá vất vả nhưng không là gì so với hàng người đợi lên dài hàng cây số, mà xếp hàng năm hàng sáu chứ không phải hàng hai. Mình buột miệng: “Người muốn ra khỏi bể khổ không được người thì chen nhau đợi vào”. Cả hội đi quanh mình cười như nắc nẻ, còn đội quân đợi lên bên kia ngơ ngác không hiểu gì.
Bảng giá trên trời (theo nghĩa đen – độ cao 912m so với mực nước biển).
Xuống An Kỳ Sinh thì đói quá, có bánh mì mang theo nhưng vẫn muốn vào đánh chén món gì có nước. Quanh năm không ăn mì ăn liền bao giờ vì có ông anh họ làm nhà máy mì, thôi thì hôm nay phá lệ. Được cái lạm phát tăng vù vù mà bát mì trên này mười năm vẫn không đổi giá.
Cũng không rõ là quãng đường lên chùa Đồng bao xa, mình không có thiết bị đo quãng đường hiện đại, thấy có người bảo 6km thì biết vậy. Thế là cả đi cả lang thang cả ăn uống hết năm tiếng đồng hồ. Ba giờ chiều là đã trên xe buýt ra đường quốc lộ, trời nắng nóng hầm hập, trên xe toàn mông các em sinh viên để ngang mặt mà không có cảm giác gì. Không rõ do tâm đã tĩnh hay tại điều hòa xe yếu. Ngồi xe chục cây còn mệt hơn leo núi chục cây. Mấy năm nay Tết đều nóng, lại chẳng có mưa xuân, mình lắm lúc cứ phàn nàn, mẹ lại bảo: “Thôi thì nắng ráo cho người đi xe máy đỡ khổ, có đi đâu xa hay về quê cũng đỡ rét mướt”. Nghĩ thế cũng phải, mình đi chùa mà chẳng nghĩ được đến thế!
Có người bạn muốn mình chụp ảnh để chứng minh năm nay mới đi Yên Tử, mà phải chụp kiểu gì để đảm bảo là năm nay mới đi chứ không dùng ảnh những năm trước. Bí quá đành chụp cái cột chỉ đường mới làm, thiết kế cũng tương đối đẹp, chứng tỏ rằng cơ sở hạ tầng du lịch nơi đây đã hoàn chỉnh.